Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2011

4 NHÓM THỰC PHẨM GIÚP TRẺ KHỎE MẠNH NGÀY XUÂN


 
Tháp thức ăn dành cho trẻ

(Dân trí) - Mùa xuân thời tiết ấm dần, cũng là mùa sinh sôi nảy nở của nhiều loại vi khuẩn lây bệnh nhưng cũng là thời điểm cơ thể trẻ phát triển nhanh. Vì thế, lưu ý thực phẩm trong giai đoạn này sẽ giúp bé khỏe mạnh, lớn nhanh.
                                                                         
1. Bổ sung các thực phẩm chứa can-xi

Mùa xuân là mùa trẻ phát triển nhanh nhất cả về thể chất và chiều cao. Do tốc độ phát triển nhanh, nhu cầu can-xi của cơ thể bé cũng tăng theo. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nhu cầu can-xi của trẻ thay đổi theo lứa tuổi, bổ sung can-xi hợp lý sẽ giúp trẻ phát triển tốt.

Thông thường, các bé dưới 1 tuổi mỗi ngày cần nạp 300 - 400mg can-xi vào cơ thể. Bé 1-4 tuổi mỗi ngày cần 600mg. Trẻ 4-7 tuổi mỗi ngày cần 800mg. Từ 7 tuổi trở lên, mỗi ngày trẻ cần 1.000mg can-xi.


Thức ăn chứa canxi

Các mẹ nên cho bé ăn các thực phẩm giàu can-xi như:
- Sữa và các chế phẩm từ sữa
- Các chế phẩm từ đậu: đậu tương, đậu phụ…
- Các loại hải sản: tôm, cua, rong biển, ốc…
- Các loại thịt và trứng: thịt gà, thịt vịt, trứng…
- Các loại rau: rau cần, cà rốt, vừng, mộc nhĩ đen, nấm…
- Các loại trái cây tươi và quả khô: chanh, táo, nho khô, lạc, sen…

Lưu ý: Các mẹ nên chú ý cân bằng các nguồn can-xi cho trẻ. Ngoài ra, các mẹ không nên cho bé dùng nhiều các thực phẩm nhiều muối, có hàm lượng protein và chất béo cao, hay các đồ ngọt, nước ngọt, nước có ga… để tránh gây trở ngại cho việc hấp thụ can-xi của cơ thể.

                                    2. Các thực phẩm chứa axit béo không no:

Lạc chứa axit béo không no
Do sự phát triển của bé tăng nhanh vào mùa xuân nên não bộ của trẻ cũng ở trạng thái “cao trào”, bởi vậy cần bổ sung kịp thời các axit béo không no. Theo các chuyên gia, axit béo không no là thành phần dinh dưỡng quan trọng cho hệ thần kinh và trí não, hàm lượng này không đủ sẽ gây ảnh hưởng đến trí nhớ và năng lực tư duy, đồng thời cũng ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ. Do cơ thể con người không thể tự tổng hợp thành chất này nên cần nạp từ các nguồn thực phẩm thích hợp. Thông thường, chất béo động vật chủ yếu chứa axit béo no, chất béo thực vật chủ yếu chứa axit béo không no.Để cung cấp đủ axit béo không no cho bé, khi làm thức ăn cho trẻ, các mẹ nên dùng dầu thực vật, đồng thời cho bé ăn các thực phẩm chứa dầu thực vật như lạc, vừng đen, hồ đào…

Lưu ý: Cần cân bằng chất béo động vật và thực vật nhưng không có nghĩa là cho bé ăn nhiều thực phẩm chiên rán.

3. Ăn các thực phẩm giàu vitamin


rau, củ chứa nhiều vitamin

Mùa xuân bé dễ bị chốc mép, chảy máu lợi, da khô ráp… các triệu chứng trên đều bắt nguồn từ việc thiếu vitamin. Ngoài ra, việc thiếu hụt vitamin còn dễ khiến trẻ bị cảm lạnh, hay mắc các bệnh hô hấp, dạ dày và đại tràng. Theo các chuyên gia, vitamin là các hợp chất hữu cơ không thể thiếu cho quá trình trao đổi chất của cơ thể. Nếu trong bữa ăn hàng ngày của bé thiếu vitamin A sẽ gây bệnh khô mắt, da khô nứt, và các bệnh về hô hấp; thiếu vitamin B gây viêm lưỡi, tróc mép, nứt môi…; thiếu vitamin D khiến cơ thể thiếu can-xi…

Các mẹ có thể bổ sung vitamin cho bé qua các nguồn thực phẩm phong phú:
- Vitamin A: rau quả màu xanh sẫm hoặc vàng sẫm, dầu gan cá, gan động vật…
- Vitamin B: thịt nạc, trứng , sữa, các chế phẩm từ đậu, ngũ cốc, cà rốt, cá…
- Vitamin C: các loại rau xanh, các loại quả họ cam quýt…
- Vitamin D: dầu gan cá, gan động vật, sữa, lòng đỏ trứng…
- Vitamin E: trứng, gan động vật, các loại thịt…

Lưu ý: Các mẹ tốt nhất nên thông qua sự tư vấn của bác sỹ để tìm hiểu xem bé cần bổ sung loại vitamin nào. Bữa ăn hàng ngày cũng cần kết hợp cân bằng các nguồn thực phẩm.

4. Các nguồn thực phẩm “thuốc”

Nấm hương


Mùa xuân thời tiết ấm dần, cũng là mùa sinh sôi nảy nở của nhiều loại vi khuẩn lây bệnh, khiến cơ thể các trẻ vốn yếu dễ bị mắc bệnh. Các mẹ có thể cho bé ăn các loại thực phẩm “thuốc” để tăng cường hệ miễn dịch. Theo các chuyên gia, một số loại thực phẩm mang đặc tính của thuốc rất có lợi cho sức khoẻ của bé.

Các thực phẩm như: nấm hương, mộc nhĩ đen, kỳ tử, hạnh nhân, quýt, bí đỏ, mật ong, long nhãn, sơn trà, sơn dược…có hàm lượng các chất dinh dưỡng phong phú, vị cam, tính bình, hầu như không có tác dụng phụ, phù hợp với trẻ nhỏ.

Lưu ý: Do thể chất mỗi trẻ mỗi khác, các mẹ nên hỏi qua ý kiến thầy thuốc Đông y để biết rõ thể chất của bé trước khi cho bé ăn các thực phẩm trên.

Phạm Thúy

5 SAI LẦM KHI ĐIỀU TRỊ BỆNH VÀ DÙNG THUỐC


Lạm dụng kháng sinh, tự ý thay thuốc, “sống chung” với nhiễm trùng... Trên thực tế, nhiều người bệnh đã tự phạm sai lầm khiến bệnh càng thêm nặng.

 Sử dụng thuốc không đúng sẽ làm bệnh nặng hơn.

Lạm dụng kháng sinh

Đây là một thực tế hay gặp, đặc biệt là những vùng ít có bác sĩ. Người bệnh chỉ cần ho, chỉ cần có sốt, hay thậm chí là đau chân là ngay lập tức được hiệu thuốc bán cho một ít kháng sinh. Cần biết, kháng sinh có thể làm hết ho, hết sốt, hết đau chân, nhưng kháng sinh chỉ có tác dụng khi có mặt vi khuẩn, nếu không có mặt vi khuẩn thì có kháng sinh cũng như không. Kết quả, nếu không có nhiễm trùng thì các vi khuẩn sẽ quen thuốc.
Sử dụng kháng sinh không đủ ngày
Hiện tượng này đã làm cho vi khuẩn không bị tiêu diệt hoàn toàn. Nhiều trường hợp chỉ cần uống hay tiêm kháng sinh vài ba ngày thấy bệnh thuyên giảm là đã thôi không điều trị tiếp. Trên thực tế, họ không hề biết rằng triệu chứng giảm nhưng không có nghĩa là vi khuẩn đã hết. Nếu chúng ta dùng không đủ ngày thì chỉ làm cho vi khuẩn bị yếu đi mà thôi. Khi không còn sự có mặt của kháng sinh, các vi khuẩn đang bị suy yếu sẽ có cơ hội hồi sinh và tìm cách biến đổi để thích ứng. Chúng sẽ không bị chết khi chúng ta điều trị lần sau.
Tự ý thay thuốc
Tức là mới chỉ sử dụng kháng sinh vài ba ngày, cảm thấy bệnh chưa giảm triệu chứng, vì nhiều lý do, người bệnh tự ý đổi sang kháng sinh khác. Sự thay đổi phác đồ điều trị này làm cho vi khuẩn không còn bị kiềm chế bởi kháng sinh cũ. Bộ máy chuyển hóa của chúng sẽ được kích thích để tổng hợp ra các enzym bất hoạt hoặc phân hủy kháng sinh. Lần sử dụng sau, khi mắc bệnh nặng, vi khuẩn sẽ kháng lại những kháng sinh này.
Thích dùng kháng sinh mạnh
Cần biết là vi khuẩn có khả năng đột biến theo hướng có lợi cho sự sinh tồn của chúng. Khi chúng ta thường xuyên sử dụng kháng sinh mạnh thì vi khuẩn lâu dần sẽ có những biến đổi thích nghi. Một khi để hiện tượng này xảy ra thì chúng sẽ kháng lại những kháng sinh mạnh này. Những dòng thuốc khác yếu hơn sẽ không bao giờ có tác dụng. Người bệnh không còn cơ hội điều trị. Thế nên, dùng đúng thuốc với đúng loại mầm bệnh là điều quan trọng hơn với việc lựa chọn loại thuốc đắt tiền.

            
Mẹ  để con bị bệnh quá nặng mới đưa đến bệnh viện

Để bệnh nhiễm trùng thật nặng mới chữa
Khi bệnh nhiễm trùng quá nặng, sức phòng vệ yếu, cơ thể không còn đủ sức tiêu diệt, các vi khuẩn không bị chết mà chỉ bị yếu tạm thời. Chúng sẽ có những thay đổi để thích và đột biến theo hướng kháng lại kháng sinh. Vì vậy, cần điều trị bệnh nhiễm trùng sớm khi chưa nặng để hạn chế hiện tượng kháng thuốc xảy ra.
* Ngoài sai lầm khi dùng thuốc thì còn có những lý do khác, khiến bệnh của bệnh nhân nặng thêm, như sử dụng chung đồ đạc với người bệnh nhiễm trùng nặng tại bệnh viện - vốn có nguy cơ cao chứa các vi khuẩn có sức kháng thuốc cao. Nếu sử dụng chung đồ đạc thì có thể nhiễm chính các vi khuẩn này vào cơ thể. Cần biết rằng một vi khuẩn có gen kháng thuốc thì nó có thể truyền đạt tính trạng này cho vi khuẩn bên cạnh thông qua kiểu di truyền ngang. Thế nên, những mầm bệnh kháng thuốc từ người bệnh có thể sẽ nhân lên trong cơ thể chúng ta hoặc có thể truyền đạt tính kháng thuốc vào những vi khuẩn túc trực sẵn trong cơ thể. Khi chúng gây bệnh, chúng là những vi khuẩn kháng thuốc mạnh.
Theo BS Yên Lâm Phúc
(Học viện Quân y)

Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2011

MẸ - BẾN ĐỖ BÌNH YÊN.

Trong cuộc đời mỗi con người, hạnh phúc lớn nhất là được sống dưới một mái ấm gia đình. Và thật may mắn biết bao khi ngay giờ đây con vẫn được sống trong sự yêu thương đùm bọc của Mẹ. Một tình yêu thương vô bờ bến mà mẹ luôn dành cho con...
 
Mẹ ơi, trong mắt con mẹ đẹp lắm! Từ làn da sạm đen vì nắng cho đến những nếp nhăn xuất hiện theo thời gian, bàn tay xương gầy và mái tóc đã bạc màu theo năm tháng... Tất cả như đều toát lên vẻ đẹp tâm hồn của mẹ. Dường như thời gian và sự vất vả không thể làm mất đi vẻ đẹp của mẹ trong đôi mắt yêu thương của con. 
Con yêu tất cả những gì thuộc về mẹ nhưng có lẽ yêu nhất vẫn là nụ cười và đôi mắt mẹ. Đó là những món quà tinh thần vô giá mà thượng đế đã ban cho chúng con. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn của mẹ, là nơi để mẹ bộc lộ cảm xúc, tình yêu thương với mọi người. Khi con buồn, đôi mắt như buồn cùng con. Nó trũng sâu hằn lên những nỗi lo lắng, suy tư. Khi con vui, nó lại ánh lên những tia hi vọng.
Còn khi con làm mẹ buồn, con đã không dám nhìn thẳng vào đôi mắt ấy, nhưng con hiểu nó u sầu và thất vọng đến nhường nào. Với con, mỗi lúc nhìn vào mắt mẹ, con cảm nhận được cả một bến bờ yêu thương đang ẩn chứa . Nụ cười của mẹ như tia nắng thần kỳ làm trỗi dậy trong con niềm tin yêu cuộc sống mỗi khi con thất vọng về bản thân. Nụ cười của mẹ như ánh bình minh tỏa sáng tâm hồn con mỗi khi con giành được những thành công nho nhỏ trong cuộc sống.
Nụ cười của mẹ -Thật kỳ diệu biết bao! Nó lớn lao hơn một lời chia sẻ, vĩ đại hơn một lời đồng tình và hơn cả là tiếp thêm cho con sức mạnh để có thêm những thành công trong tương lai. Bao nhiêu tình cảm yêu thương trìu mến có lẽ mẹ đã dồn hết vào nụ cười ấy để gửi tới con thông điệp yêu thương. Mẹ ơi, Mẹ có biết, con luôn tự nhủ sẽ trân trọng và giữ gìn để nụ cười đừng bao giờ tắt trên khuôn mặt mẹ thân yêu của con. 
Con yêu mẹ không phải chỉ vì những thứ trên mà còn vì bao điều tốt đẹp mà mẹ dành cho con, cho chính gia đình mình. Mẹ là một phụ nữ giản dị, trầm lặng, cả đời sống vì những người thân yêu. Vất vả, gian nan không một lời than thở, chỉ biết sống là "CHO ĐI" chưa một lần đòi hỏi gì cho bản thân... Mẹ dạy con có lòng tự trọng, dạy con cần biết sẻ chia và giúp đỡ, dạy con biết dang rộng trái tim... Mẹ ơi, tình yêu của Mẹ sao mà mênh mông quá! Tất cả những đức tính ấy ở mẹ đã cho con những bài học quý giá vô cùng. Tất cả những tình yêu thương ấy đã nâng từng bước chân con vào đời...
 Năm tháng qua đi, mái tóc mẹ bạc màu theo thời gian, theo những vất vả, gian nan. Nhìn từng nếp nhăn hằn sâu trên trán mẹ, từng bước chân chầm chậm mẹ đi... lòng con quặng thắt, con nghe như có một cái gì đó đè nặng lên lòng ngực mình, làm con nghẹt thở. Thế nhưng, trên gương mặt sạm đen vì nắng và những nếp nhăn xuất hiện theo thời gian, nụ cười và ánh mắt của mẹ vẫn luôn rạng ngời, chan chứa bao yêu thương.
  Nụ cười và ánh mắt ấy đã giúp con thêm hoàn thiện về tâm hồn, tích góp thêm cho mình những kinh nghiệm sống. Nụ cười và ánh mắt ấy là cả tấm lòng Mẹ mênh mông vô bờ, là bến đỗ bình an con về sau những gian nan, vất vả trong đời.
 Mẹ ơi! Con mong sao cho thời gian ngừng trôi để Mẹ luôn mạnh khỏe, để Mẹ luôn ở bên con, và để con có được nhiều thời gian chăm sóc, đền đáp công ơn sinh thành của mẹ.
"BIỂN ĐỜI BÃO TỐ GIAN NAN 
MẸ LÀ BẾN ĐỖ BÌNH AN CON VỀ"
                                                                                   Kính tặng Mẹ của con
                                                                              ___ Hồ Thị Kim Quyên __

CHÂU Á CÓ 15 TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÀNG ĐẦU THẾ GIỚI

TTO - Ngày 10-3, tạp chí Times Higher Education (THEM) của Anh đã công bố danh sách 100 trường đại học danh giá nhất thế giới cho năm 2011. Châu Á có 15 đại diện, trong đó nổi bật nhất là Đại học Tokyo (Nhật Bản).
Đại học Tokyo được xếp vị trí thứ 8, vượt 18 bậc so với thứ hạng 26 trong top 200 mà THEM công bố trong năm 2010. Ngoài ra, Nhật Bản còn có các trường Đại học Kyodo (xếp thứ 18), Osaka (thứ 50), Tohoku (đồng hạng 51-60), Viện Công nghệ Tokyo (đồng hạng 51-60) trong danh sách top 100 năm nay.
Đại học Tokyo (Nhật Bản) trở thành trường danh tiếng nhất châu Á - Ảnh: Advisor
Singapore trở thành điểm đến đầy mơ ước của du học sinh khi có Đại học quốc gia Singapore xếp hạng 27, Đại học Công nghệ Nanyang (đồng hạng 91-100) trong danh sách này. Tuy nhiên, Trung Quốc, Đài Loan và Hong Kong cũng chứng tỏ họ là cái nôi đào tạo của châu Á khi có khá nhiều tên tuổi như Đại học Thanh Hoa Trung Quốc (thứ 35), Đại học Hong Kong (thứ 42), Đại học Bắc Kinh Trung Quốc (thứ 43), Đại học quốc gia Đài Loan (đồng hạng 81-90), Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong (đồng hạng 91-100).Hàn Quốc có hai đại diện là Đại học Seoul (đồng hạng 51-60), Viện Khoa học công nghệ cao cấp Hàn Quốc (đồng hạng 91-100), bên cạnh Viện Khoa học Ấn Độ của Ấn Độ (đồng hạng 91-100).
Đại học Melbourne của Úc được đánh giá ở hạng 45 về danh tiếng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Quốc gia này còn có các trường danh tiếng khác là Đại học Quốc gia Úc (đồng hạng 51-60), Đại học Sydney (đồng hạng 51-60), Đại học Queensland (đồng hạng 81-90).
Dẫn đầu thế giới về danh tiếng vẫn là Đại học Havard của Mỹ với số bầu chọn 100% của 13.388 giảng viên đến từ 130 đại học trên thế giới. Mỹ - trung tâm đào tạo của thế giới, cũng dẫn đầu danh sách với 44 trường trong top 100 này, sau đó là Anh với 12 trường, tiêu biểu nhất là Đại học Cambridge.

Xem thêm danh sách 100 trường danh tiếng nhất thế giới tại đây.
PHAN ANH

Thứ Năm, 10 tháng 3, 2011

GIỚI THIỆU VỀ THƯ VIỆN TRƯỜNG TIỂU HỌC ĐẶNG VĂN BẤT





PHÒNG ĐỌC
 
1.Lịch sử hình thành:
Thư viện Trường tiểu học Đặng Văn Bất có quá trình hình thành và phát triển gắn liền với lịch sử phát triển của nhà trường. Thư viện được xây dựng và hoạt động từ năm 1976, tại địa chỉ Số 30/6 đường 35, khu phố 2, phường Linh Đông, quận Thủ Đức dưới sự hướng dẫn và quản lí  của Phòng giáo dục và Đào tạo Thủ Đức, hoạt động theo Quy định về tổ chức và hoạt động của thư viện trường phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thư viện đã được đánh giá “thư viện đạt chuẩn” theo các tiêu chuẩn của quyết định 01/2003/ BGD – ĐT nhiều năm liền.
    
2.Chức năng của thư viện:

Thêm chú thích

Thư viện Trường tiểu học Đặng Văn Bất có chức năng phục vụ và hỗ trợ công tác giảng dạy và học tập của tập thể cán bộ - giáo viên – công nhân viên và học sinh trong nhà trường.  
Thư viện tổ chức thu thập khai thác và sử dụng các nguồn tài liệu, sách,báo, tạp chí liên quan đến giáo dục sư phạm theo chương trình quy định hiện hành của Bộ Giáo dục, nhằm truyền bá tri thức, cung cấp thông tin phục vụ nhu cầu học tập, giảng dạy và nghiên cứu của cán bộ - giáo viên – công nhân viên và học sinh trong nhà trường góp phần hỗ trợ cho công tác dạy và học trong nhà trường.

     3. Nhiệm vụ của thư viện:
Thư viện có nhiệm vụ : Bổ sung, phát triển kho sách và các nguồn lực thông tin đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu cho thầy, cô giáo và học sinh trong nhà trường. Tổ chức xử lý, sắp xếp, lưu trữ, bảo quản, quản lý tài liệu và thông tin; Tổ chức phục vụ, hướng dẫn cho bạn đọc sử dụng hiệu quả các nguồn thông tin, tài liệu có trong thư viện; Tổ chức bảo quản, kiểm kê định kỳ vốn tài liệu, cơ sở vật chất kỹ thuật và các tài sản khác của thư viện; tiến hành thanh lý các tài liệu lạc hậu, hư nát theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước và của trường;  Phối hợp với các tổ chuyên môn trong việc lựa chọn, bổ sung tài liệu cho phù hợp với nhu cầu dạy và học trong nhà trường.
4. Nguồn lực:

Sách tham khảo và nghiệp vụ

Hiện, vốn tài liệu của thư viện với 4680 bản sách.  Được chia ra làm 3 mảng lớn: sách  nghiệp vụ: 786 bản, sách tham khảo cho thầy cô: 1115 bản và sách thiếu nhi: 2579 bản. Phục vụ cho 55 cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong nhà trường và hơn 1500 em học sinh cấp tiểu học. sách tham khảo và sách thiếu nhi đa dạng, nội dung phong phú; kho sách có số lượng sách mới bổ sung 5 năm trở lại đây chiếm 80% trên tổng kho sách.
 
Sách cho thiếu nhi

Ngoài các loại sách trên, thư viện còn có 14 đầu báo và tạp chí các loại, bao gồm có 3 loại báo ngành, 5 loại  báo chuyên môn còn lại là các loại báo ngày. Bên cạnh đó, thư viện còn có 246 đĩa CD, 78 băng video dùng cho các môn học trong chương trình quy định của cấp tiểu học như:Tiếng Việt, Toán, tự nhiên -  xã hội, đạo đức, thủ công, kĩ thuật, nhạc, họa… và tủ sách phát triển giáo dục theo dự án; tủ sách giáo dục an toàn giao thông cho học sinh do Phòng giáo dục  cấp; nhà trường còn từng bước xây dựng tủ sách pháp luật, tủ sách công đoàn…